18/02/2025
NHÀ THỜ HỌ VÕ LÀNG NHÂN TRẠCH XÃ THỌ THÀNH DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP TỈNH
TÓM TẮT LÝ LỊCH NHÀ THỜ HỌ VÕ LÀNG NHÂN TRẠCH, XÃ THỌ THÀNH
Căn cứ văn bia, Sắc phong, hiệu bụt trên long ngai và cuốn gia phả “Võ gia thế phổ ký” cùng cuốn gia phả của họ Vũ Đại tôn ở làng Đông Xương (nay thuộc xã Diễn Mỹ - Diễn Châu) còn lưu tại di tích cho biết: Dòng họ Võ ở làng Nhân Trạch (nay thuộc xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) có nguồn gốc từ huyện Bồng Báo, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa (tức làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay). Vị tổ đầu tiên của dòng họ này là ông Võ Văn Sỹ (có tài liệu chép là Võ Văn Tri) là hậu duệ đời thứ 24 của cụ Vũ Hồn – Kinh lược sứ An Nam.
Võ Văn Sỹ vốn là một võ quan, đã được vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) điều động vào vùng đất phía Nam này để đánh dẹp Chiêm Thành, rồi sinh cư lập nghiệp tại đây. Tính đến nay dòng họ này đã có 23 đời, lập thành 3 chi nhánh, sinh sống tại xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Trong quá trình tồn tại, phát triển, dòng họ này đã có nhiều nhân vật có công lớn trong lịch sử bảo vệ và xây dựng quê hương, tiêu biểu là các vị sau:

Nhà thờ họ Võ làng Nhân Trạch
- Thành hoàng quận công Võ Văn Sỹ (1426-1504)
Võ Văn Sỹ còn có tên gọi khác là Võ Văn Tri. Ông sinh năm Bính Ngọ (1426) tại huyện Bồng Báo, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa (tức làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa ngày nay). Ông là một trong số bốn người con của ông Võ Đức Trạch và là hậu duệ đời thứ 24 của cụ Vũ Hồn – Kinh Lược sứ An Nam. Vốn có tư chất thông minh, đĩnh ngộ hơn người, lại được sinh ra, lớn lên trong một dòng tộc có truyền thống võ nghệ, hiếu học, giàu lòng trung quân ái quốc nên ông đã được giáo dưỡng, học hành tử tế, lớn lên nổi tiếng là người tinh thông võ nghệ, hiểu biết rộng.
Vào năm 1460, sau khi lên ngôi, để củng cố thế lực của triều đình và tuyển chọn các nhân tài phò vua giúp nước, vua Lê Thánh Tông đã mở khoa thi Bác cử đầu tiên để tuyển chọn các võ quan. Ông Võ Văn Sỹ đã cùng anh trai là Võ Trung Lương về kinh ứng thí và cả hai anh em đều thi đậu Đồng Tạo Sỹ. Về sự kiện này gia phả của họ Vũ Đại tôn ở làng Đông Xương có chép như sau: “Nhị thần người ở huyện Bồng Báo, xứ Thanh Hoa, gốc họ Vũ, tài sức hơn người tinh thông võ nghệ. Vào năm Quang Thuận triều Lê thi đậu Đồng Tạo Sỹ”.
Sau khi đậu đồng Tạo sỹ, ông được ban áo, mũ, đai nón và thưởng bạc, cho dự yến ở Bộ Binh, cho vinh quy về nhà bái tổ và được bổ làm quan võ cùng với người anh của mình là Võ Trung Lương. Thời điểm ông mới vào làm quan, giặc dã, trộm cướp nổi lên ở nhiều nơi, nhất là ở những vùng cách xa kinh thành như Sơn Tây, Thái Nguyên. Để lấy lại sự bình yên cho đất nước, vua Lê Thánh Tông đã phải cử nhiều võ quan, binh sỹ đi trấn trị. Ông Võ Văn Sỹ đã được triều Lê điều đi trấn giữ Thái Nguyên trong thời gian này. Nhờ tinh thông võ nghệ, am hiểu thời cuộc và giàu lòng nhân ái nên chỉ trong thời gian ngắn các bè đảng trộm cướp ở đây không còn, tình trạng hỗn loạn đã được giải quyết, đời sống của nhân dân đã dần bình yên trở lại.Giữa lúc công cuộc trấn trị ở Thái Nguyên của ông đang giành được nhiều kết

Khu lăng mộ họ Võ.
quả tốt đẹp như vậy thì phía Nam Đại Việt, giặc Chiêm Thành lại thường xuyên đem quân sang quấy phá để đánh chiếm. Để bảo vệ vùng đất biên viễn phía Nam của đất nước, vua Lê Thánh Tông đã huy động rất nhiều quân binh vào đây để trấn giữ, vì vậy vào năm 1467, ông Võ Văn Sỹ cùng với anh trai Võ Trung Lương đã được triều đình cử vào trấn trị ở phía Nam Đại Việt, trực tiếp là trấn trị tại Cửa Vạn (nay thuộc xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu).Tại đây, ngoài việc luyện tập võ nghệ cho binh sỹ và tổ chức tuần tra canh gác, ông còn tổ chức cho dân binh khai hoang sản xuất, tích trữ lương thảo, xây dựng lực lượng quân đội ngày càng lớn mạnh. Cho nên càng ngày ông càng được vua Lê Thánh Tông trọng dùng. Năm 1470, vua Chiêm Thành là Trà Toàn đem quân đánh chiếm Hóa Châu (nay là đất Quảng Bình). Tình hình biên giới hỗn loạn, nhiễu nhương, dân tình hoang mang, kinh tế sa sút. Để giữ yên biên giới phía Nam và bình định đất nước ngày 6/11/1470 vua Lê Thánh Tông thân chinh triệu tập 26 vạn tinh binh tiến về phương Nam để chinh phạt Chiêm Thành. Võ Văn Sỹ đã được nhà vua phong chức Tham tán công thần Thượng tướng quân và cho cầm quân gia nhập đại quân vượt sông Gianh đánh giặc.Ngày 29 tháng 2 năm 1471, đại quân của Vua Lê Thánh Tông tiến đánh thành Chà Bàn (thủ đô nước Chiêm Thành). Cánh quân của ông Võ Văn Sỹ được vua Lê phái theo tiếp ứng. Với tài cầm binh và thao lược ông đã không phụ lòng mong đợi của triều đình chỉ huy quân xông pha trận mạc, truy quét địch bắt sống được nhiều tù binh trong đó có công chúa của nước Chiêm Thành đem về tiến nạp triều đình. Gia phả chép rằng: “Ông được lệnh triều đình chỉ huy đại quân vượt đại giang hà (tức sông Gianh – Quảng Bình ngày nay) tấn công truy quét giặc Chiêm bắt được công chúa và đám tùy tùng hơn 20 người tiến nạp triều Lê”.Do lập được nhiều công lao lớn, góp công cùng nhà Lê đánh dẹp giặc Chiêm, bình định đất nước nên triều đình đã phong cho ông là “Chiêm Thành quận, quận công, Võ tướng quân Trâu xung hầu” và ban cho ông lộc điền tại xứ Cồn Gia để khai hoang sản xuất (vùng đất di tích hiện nay. Về sự kiện này, văn bia tại lăng mộ ông có chép: “Thừa lệnh khâm sai, sắc thụ vi tham tán công thần thượng tướng quân…..Thừa cấp tòng tiến thảo phạt, phù quốc đại chiến Chiêm Thành, hành qua đại giang hà tự nguyện thiên địa hốt kiến tự nhiên Bạch trư phù thượng tôn linh kỹ qua chiến thụ sinh cầm mỹ nương công chúa nam nữ chính thân nhị thập dư nhân tiến vương Hồng Đức cấp thưởng phong sắc Chiêm Thành quận, quận công Võ tướng quân Trâu xung hầu, cấp lộc điền giao tại cồn Gia trang khai khẩn các xứ nhược hữu hà nhân bất đắc tranh chiếm. Hậu thuộc huyện Yên Thành, tổng Qùy Trạch, xã Thanh Đà, thôn Nhân Trạch”. Dịch là: “Thừa lệnh khâm sai Lê triều phong sắc là Tham tá công thần thượng tướng quân,…. Trâu xung Hầu Võ Văn Sỹ thừa cấp theo việc giúp nước, đánh giặc Chiêm Thành khi đi đến một con sông rộng lớn ngài đã cầu nguyện trời đất, tự nhiên có một con lợn bạch nổi lên rồi ngài cưỡi lên đi qua sông đánh giặc, bắt sống được Mỹ Đản công chúa cùng với 20 người trai gái dâng lên vua. Được phong sắc Chiêm Thành quận, quận công Võ tướng công Trâu xung hầu Võ Văn Sỹ, được cấp lộc điền giao khai khẩn các xứ trang Cồn Gia không được ai tranh chiếm, về sau đổi là làng Nhân Trạch, xã Thanh Đà, tổng Qùy Trạch, huyện Yên Thành”.Sau khi được cấp lộc điền ông đã đưa gia quyến vào đây sinh cơ lập nghiệp. Xứ Cồn Gia, lúc đầu tiên ông đặt chân đến là một vùng đất hoang vu, cây cối rậm rạp, nhiều nơi còn bị ngập phèn. Tại đây, ông đã cho binh lính lập thành các đồn trại để ổn định nơi ăn, chốn ở. Sau đó, ông huy động binh lính và kêu gọi dân phiêu tán tổ chức khai phá đất hoang biến những vùng đất hoang vu thành một dải đất rộng thẳng cánh cò bay. Những nơi ngập úng ông hướng dẫn cho dân tiến hành thau chua, cải tạo đất, đắp đập khơi mương rồi trồng lúa. Những nơi cao ráo ông cho dân chặt cây, phát rừng, vỡ đất, san phẳng và chọn ngô, khoai làm giống trồng thích hợp. Bên cạnh đó, ông còn tìm cách đào giếng, khơi sông tìm dòng nước ngọt vừa để dùng sinh hoạt, vừa để tưới tiêu cho đồng ruộng. Để bảo vệ mùa màng ông cho dân đắp đê đề phòng lụt lội. Nhờ những chính sách khai hoang, mở đất mà hình thành nên những vùng đất tốt tươi, màu mỡ như: Đồng Cây Da, Đồng Cồn Tạng, Đồng Ba Lùm, Đồng Cồn Trăn, Đồng Bến, Đồng Đập Cụt, đồng Quan, đồng cồn cỏ ngựa.…

Khu lăng mộ họ Võ
Sau này, khi cuộc sống dần dần ổn định, ông còn chọn các giống rau, củ quả phù hợp để cho dân trồng, cho chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm để vừa có thể kéo cày, vừa có thể tăng gia cuộc sống. Một thời gian không lâu xứ Cồn Gia trở thành một quần cư rộng lớn nên ông đã đổi tên xứ Cồn Gia thành Trang Cồn Gia. Căn cứ vào số dân đinh trong vùng, ông chia đất cho dân cày cấy đến kỳ hạn đóng sưu thuế để nhà nước nuôi quân đánh giặc. Tiếng tăm về người đứng đầu công cuộc khai hoang và về một vùng đất tốt tươi màu mỡ lan rộng, nhiều dòng họ khác như họ Trần, họ Đinh, họ Nguyễn….lần lượt kéo đến chung tay, góp sức xây dựng thôn, xóm ngày thêm đông đúc và cường thịnh.Bên cạnh việc khai hoang, mở rộng diện tích, ông còn chỉ đạo dân làm đường sá, cầu cống cho giao thông đi lại được thuận tiện. Cuộc sống của nhân dân ngày càng ổn định ấm no. Ông hưu quan tại quê nhà và sau một thời gian lâm bệnh ông mất năm Giáp Tý (1504), thọ 78 tuổi, mộ được táng tại xứ Cồn Cao (nay thuộc xóm 10, làng Nhân Trạch, xã Thọ Thành).Về đời tư: ông lấy vợ (là Bà Võ Thị Tâm) sinh được một người con duy nhất là Võ Huyền Thành.Sau khi ông mất, tưởng nhớ công ơn khai hoang, lập làng đem lại cuộc sống ấm no cho dân, nhân dân đã tôn ông làm Thành hoàng của làng và lập đền ngay tại mảnh đất ông đã dựng nền mở nghiệp khai cơ để suốt đời phụng sự (Đền có tên là đền làng Nhân Trạch – đền đã bị phá dỡ những năm chống Mỹ, hiện còn địa điểm đền thuộc xóm 10 – làng Nhân Trạch – xã Thọ Thành, cách nhà thờ 200m).Căn cứ những công lao của thần và quy mô của đền, các triều đại phong kiến đã có nhiều sắc phong thần cho ông và giao cho làng Nhân Trạch tòng tiền phụng sự. Hiện nay tại nhà thờ còn lưu giữ 03 đạo sắc vua ban cho ông:
– Đạo sắc thứ nhất vào ngày 25 tháng 9 – Vua Thành Thái năm thứ 6 (1894) phong là “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”
– Đạo thứ 2 vào ngày 11 tháng 8, vua Duy Tân năm thứ 3 (1909) phong là “Dực bảo trung hưng linh phù quận công hiển ứng anh duệ chi thần”
– Đạo thứ 3 vào ngày 25 tháng 7, vua Khải Định năm thứ 9 (1924) tiếp tục sắc phong gia tặng mỹ tự “Đoan túc tôn thần”.Những năm chiến tranh chống Mỹ, đền thờ làng Nhân Trạch được trưng dụng làm kho thóc nhà nước, một số đồ tế khí như kiếm, cờ lọng, kiệu rước tập trung về đền Canh (nay thuộc xã Đức Thành – huyện Yên Thành), còn long ngai, hiệu bụt, bức đại tự và lư hương bằng thiếc được con cháu đã rước về nhà thờ hợp tự.

- Bản thổ Thành hoàng Võ Huyền Thành (1454-1527)
Ông sinh năm Giáp Tuất (1454) tại huyện Bồng Báo, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa là con trai duy nhất của ông Võ Văn Sỹ. Được nuôi dưỡng trong một gia đình có truyền thống võ nghệ, thuở nhỏ ông đã bộc lộ tư chất thông minh, lại chịu ảnh hưởng của người cha với tư tưởng là tìm cách nào để cho nhân dân có được cuộc sống ấm no, đầy đủ góp phần xây dựng sự thịnh hưng của đất nước. Vì vậy, ngay từ lúc tuổi trẻ ông đã đam mê theo đuổi sự nghiệp của cha mình.
Gia phả không nói đến việc ông học hành, thi cử thành danh nhưng công lao khai cơ, lập làng được nhân dân đời đời tưởng nhớ. Vào những năm 1460-1497, vua Lê Thánh Tông đã ban hành nhiều chính sách tích cực để phát triển kinh tế trong đó “chủ trương quan trọng được nhân dân hưởng ứng là khai hoang, mở rộng diện tích canh tác”. Với đức tính chịu thương, chịu khó ông đã cùng với cha là Võ Văn Sỹ thực hiện công cuộc khai phá đất hoang, dạy dân làm nông nghiệp.
Sau khi người cha là Võ Văn Sỹ qua đời, việc chiêu dân, lập ấp được ông Võ Huyền Thành đảm nhận. Ngoài việc tổ chức khai khẩn mở rộng thêm đất đai, ông Võ Huyền Thành còn quan tâm đến việc lập đất thổ cư, lập đất công điền, sắp đặt thôn dân và nâng cấp Trang Cồn Gia thành một làng đặt tên là làng Nhân Trạch (ý muốn nói một vùng đất rộng lớn giàu lòng nhân ái). Ông còn quan tâm mở mang đường đi lối lại trong thôn dân, hướng dẫn dân thôn trồng trọt, chăn nuôi và làm thêm nghề thủ công dệt vải.
Khi đời sống của nhân dân làng Nhân Trạch được ổn định, ông Võ Huyền Thành đã tìm cách nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân. Ông tận dụng những vùng đất cao như Cồn Tạng, Ba Lùm… để cho dân trồng bông và các loại hoa màu. Ông dạy dân tranh thủ lúc nông nhàn dệt vải may quần áo vừa phục vụ nhu cầu sinh hoạt vừa đem bán cho những xóm làng lân cận để tăng thêm thu nhập. Nhờ sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nên việc trao đổi hàng hóa cũng được hình thành và phát triển làm cho cuộc sống nhân dân làng Nhân Trạch ngày càng no đủ và khấm khá.
Theo Văn bia tại lăng mộ của ông thì địa giới công tư điền do hai cha con ông khai phá được là 270 mẫu ruộng với 150 dân đinh, phía Đông giáp với xã Diễn Tháp (Diễn Châu), xã Đô Thành (Yên Thành); phía Tây giáp với làng Đại Hữu và làng Tam Thọ; phía Nam giáp với Tây Tháp; phía Bắc giáp với Đô Thành và làng Bái Trạch, ngoài ra còn có một số mẫu ruộng khác được chia làm ruộng tế điền cho các chi nhánh.
Về đời tư: ông kết duyên với bà Võ Thị Bả sinh được 03 người con trai, 01 người con gái là: Võ Trọng Kiêm, Võ Văn Liêu, Võ Văn Tuyển và Võ Thị Kính.
Ông mất vào ngày 23/4 năm Đinh Hợi (1527), thọ 73 tuổi, mộ được táng tại xứ Cồn Cao (nay thuộc xóm 10, làng Nhân Trạch, xã Thọ Thành).
Tưởng nhớ đến công lao của ông nhân dân đã tôn ông là “Bản thổ Thành hoàng” và được thờ chung với cha mình là Võ Văn Sỹ tại ngôi đền làng. Ngôi đền rất thiêng, được các triều đại phong kiến sắc phong giao cho làng phụng sự.
Năm Thành Thái thứ 10 (1898), vua Thành Thái đã ban sắc phong ông là “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”.
Năm 1924, nhân dịp Vua Khải Định tròn 40 tuổi đã tiếp tục ban sắc phong mỹ tự cho thần là “Đôn Nghị tôn thần”.
Sau khi ngôi đền được sử dụng làm kho thóc của nhà nước trong những năm kháng chiến chống Mỹ, con cháu dòng họ Võ đưa linh vị và một số đồ tế khí về hợp tự tại nhà thờ và thờ phụng cho đến nay.

- SINH HOẠT VĂN HÓA, TÍN NGƯỠNG
Nhà thờ họ Võ là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, nơi cố kết tình cảm của những người con trong dòng họ. Hàng năm vào các ngày Sóc, Vọng, Rằm tháng Giêng (15/1), ngày rằm tháng Bảy (15/7) và ngày giỗ tổ Võ Văn Sỹ 12/6- âm lịch, ngày
giỗ ông Võ Huyền Thành 23/4 – âm lịch, con cháu thành tâm biện lễ, thắp hương tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của tổ tiên. Nhưng trọng thể nhất là lễ giỗ tổ Võ Văn Sỹ ngày 12/6. Đây là hoạt động đã được duy trì từ đời này qua đời khác, trở thành ngày truyền thống tốt đẹp, khơi dậy đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của con cháu dòng họ. Lễ tế tổ được tổ chức trong hai ngày là ngày 11/6 đến ngày 12/6.


|